Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tuyên truyền, phổ biến: Một số quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc nông lâm thuỷ sản
Cập nhật lúc: 29/04/2025
Cập nhật lúc: 29/04/2025
Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tuyên truyền, phổ biến: Một số quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc nông lâm thuỷ sản
Thực hiện Kế hoạch số 190/KH-CAT-CSKT ngày 15/4/2025 của Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025. Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Ngày 26/4/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai “Tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm” năm 2025 với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự hội nghị có đồng chí Thượng tá Nguyễn Chí Hải – Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk, chủ trì hội nghị; các đồng chí đại diện Phòng An toàn thực – Sở Y tế; Phòng Quản lý Công nghiệp – Sở Công thương; Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng hơn 100 chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại Hội nghị các đại biểu đã chỉ ra khó khăn trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: nguồn nhân lực thiếu, kinh phí hạn chế, vì vậy đã ảnh hưởng đến việc triển khai công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra; công tác hậu kiểm còn chưa thường xuyên; Hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, người kinh doanh chưa chú trọng về tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, không sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động, không khẩu trang, bao tay, mũ chụp, còn đeo trang sức, làm nail…nên tiềm ẩn nhiều mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 16 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo quy định các cơ sở này phải thực hiện ghi chép, lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước. Tuy nhiên thực hiện ghi chép, lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước một số còn chưa thực hiện đầy đủ; Nguồn nguyên liệu mua ngoài chợ, khi xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm thì việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không có địa điểm cố định, thường diễn ra vào ngoài giờ hành chính nên việc kiểm tra, kiểm soát bị khó khăn.
Tại Hội nghị ông Bùi Đức Thiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chia sẻ một số nội dung về điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực phẩm có nguồn gốc nông lâm thuỷ sản như sau:
1. Địa điểm sản xuất: Cơ sở phải có địa điểm thích hợp, có khoảng cách an toàn với các nguồn gây độc hại, gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác cho thực phẩm…cụ thể như: không gần nghĩa trang, khu công nghiệp, bãi rác thải, không đọng nước…
2. Kết cấu nhà xưởng, bố trí sản xuất : Đủ diện tích, dễ làm vệ sinh, không gây ô nhiễm cho sản phẩm; không có hiện tượng ngưng tụ hơi nước; các công đoạn sơ chế, chế biến được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, tránh gây ô nhiễm chéo…
3. Trang thiết bị sản xuất: Phù hợp để sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm; trang thiết bị trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm: không thấm nước, không gây độc cho sản phẩm, dễ làm vệ sinh…
4. Vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị (sử dụng chất tẩy rửa nằm trong danh mục được phép sử dụng; dụng cụ làm vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng, có quy trình và thực hiện đúng quy trình vệ sinh nhà xưởng…)
5. Người trực tiếp sản xuất, vệ sinh công nhân: Người trực tiếp sản xuất được khám sức khỏe định kỳ đầy đủ; có kiến thức về ATTP; có khu vực thay bảo hộ lao động; có đủ nhà vệ sinh ở vị trí thích hợp; đủ trang thiết bị làm vệ sinh công nhân; có quy định và thực hiện đúng quy định vệ sinh công nhân…
6. Nguyên liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất thực phẩm: Nước, nước đá đáp ứng quy định về nước ăn uống; phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trong danh mục được phép sử dụng, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định; nguyên liệu đáp ứng yêu cầu để sản xuất thực phẩm…
7. Phòng, chống động vật gây hại và xử lý chất thải, nước thải: Có trang thiết bị và thực hiện phòng chống động vật gây hại; có biện pháp xử lý nước thải, nước thải đáp ứng quy định trước khi xả ra môi trường; có dụng cụ/ biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn…
8. Bao gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển: Vật liệu bao gói không gây ô nhiễm cho sản phẩm; Ghi nhãn đầy đủ thông tin, đúng quy định; có nơi bảo quản, phương tiện bảo quản, vận chuyển phù hợp với từng loại sản phẩm, được sắp xếp hợp lý và vệ sinh sạch sẽ; ...
9. Điều kiện bảo đảm ATTP và QLCL: Duy trì điều kiện bảo đảm ATTP; có quy định và thực hiện thực hành sản xuất tốt, thực hành vệ sinh tốt; khuyến khích cơ sở áp dụng các chương trình QLCL tiên tiến theo HACCP, ISO 22000,...
10. Ghi chép và truy xuất nguồn gốc: ghi chép việc tiếp nhận và sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào của quá trình sản xuất; việc ghi chép các biểu giám sát thực hiện GMP, SOP; biện pháp khắc phục các điểm chưa phù hợp; các ghi chép nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đ/c Thượng tá Nguyễn Chí Hải – Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị
Đại diện các cơ sở, doanh nghiệp đã có sự trao đổi, thảo luận sôi nổi tại Hội nghị. Cuối hội nghị, đồng chí Thượng tá Nguyễn Chí Hải – Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk, chủ trì hội nghị đã đề nghị các Sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm để phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; Đề nghị chủ các cơ sở nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, các kiến thức đã đại biểu đại diện các đơn vị quản lý nhà nước chia sẻ trong Hội nghị, chủ động tăng cường kiểm soát các nguyên liệu đầu vào và quá trình sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn./.
Nguyễn Thị Hảo Phòng HCTH